Mít cám ngon thường là những quả nhỏ, nhiều cám, màu vàng rộm, lấm tấm bột. Để chọn mít cám như vậy, người có kinh nghiệm cất công leo lên các cành của cây mít vì mít cám ở gốc cây thường rất chát. Mít cám ít ngọt nên tưởng chừng không có tác dụng gì, lại trở thành nguyên liệu của nhiều món ăn vặt.
Đơn giản nhất là "kẹo" mít cám. Mít cám vừa hái vào, gói vào lá chuối đập dập để bớt vị chát. Tiếp tục cho đường bát vào đập, khi đường bám đều vào thịt mít, dùng tay vo thành từng viên tròn. Đến mùa mít cám, kẹo mít cám là "mặt hàng" không thể thiếu trong gian hàng tuổi thơ. Chỉ vài đồng tiền lá mít đã có thể nhận lại một cây kẹo mít cám.
tin liên quan
Hương vị quê hương: Rau ranh nấu canh ốc đáTin liên quan
- Hương vị quê hương: Rau ranh nấu canh ốc đá
- Hương vị quê hương: Cá ngạnh chình ình bụng trứng
- Hương vị quê hương: Hương đậu phộng trên vùng đất cát
Đấy là chưa kể món mít cám chấm muối. Nhớ những hôm đi học về đói bụng, để nguyên quần áo mà chạy ù ra vườn nhà, tìm vài quả mít cám chấm muối trắng, thêm vài miếng ớt xắt mỏng. Còn gì thú vị bằng dưới màu xanh tán lá, bắt chéo chân trên cành cây nằm ngửa nghe gió thổi mát rượi, nhai giòn rụm, ngon lành.
Người ta nói trẻ con mau quên, ấy thế nhưng mỗi người khi nhắc đến "ngày xưa ơi" đều có thể kể vanh vách những món ngon dân dã một thời, trong đó không thể vắng bóng mít cám. Đám con nít dù giờ tóc đã hai màu trắng, đen nhưng thi thoảng, mít cám là cái cớ để cùng nhau xôm tụ, thưởng thức và nhắc lại khoảng trời ký ức chung.
Nguồn Bài Viết: thanhnien.vn/doi-song/huong-vi-que-huong-mot-thoi-mit-cam-1080318.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét